Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng (Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27/04/1999). Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12) đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 cùng với đó là sự ra đời của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Căn cứ quy định tại Điều 34 của Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
1. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.
Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương.
Sở Công Thương là cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đơn vị giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn huyện mình.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD:
Cấp Trung ương: Chính phủ - Bộ Công Thương – Cục Quản lý cạnh tranh – Ban Bảo vệ người tiêu dùng.
Cấp địa phương: UBND – Sở Công Thương – Các đơn vị phụ trách thuộc Sở.
Ban Bảo vệ người tiêu dùng
Ban Bảo vệ người tiêu dùng là bộ phận trực thuộc Cục Quản lý cạnh tranh giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Một số nhiệm vụ cơ bản của Ban:
a. Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b. Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
c. Phát hiện và đề xuất Cục trưởng kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những quy định không phù hợp với pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
d. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hưởng dẫn các Sở Thương mại/Sở Thương mại Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương;
đ. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đề xuất Cục trưởng xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
e. Thụ lý khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng;
g. Đề xuất Cục trưởng giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
h. Kiến nghị Cục trưởng về việc sử dụng tư vấn trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của công việc và theo quy định của pháp luật;
i. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của Cục trưởng.
Thông tin liên hệ:
- Ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương
- Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Điện thoại: 04.2205022; Fax:04.22205003.