Theo nghiên cứu mới, hút thuốc và tuổi già là hai yếu tố quan trọng nhất khiến nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Theo nghiên cứu mới, hút thuốc và tuổi già là hai yếu tố quan trọng nhất khiến nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Nghiên cứu mới do nhóm chuyên gia của Hiệp hội Ung thư Mỹ thực hiện và công bố trên tạp chí Cancer ngày 3/8.
Nhóm tác giả cũng nhấn mạnh các bác sĩ nên xem xét lượng mỡ thừa trong cơ thể, tiền sử gia đình và một số yếu tố khác để quyết định xem bệnh nhân có cần tầm soát hay phòng ngừa bổ sung không.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hai công trình của Hiệp hội Ung thư Mỹ với gần 430.000 người tham gia không có tiền sử ung thư. Họ được theo dõi trong 5 năm. Trong thời gian đó, 15.226 trường hợp được chẩn đoán bị ung thư.
Nguy cơ mắc cao nhất với mọi loại bệnh ung thư nằm ở nhóm hút thuốc. Trong vòng 5 năm, nguy cơ tăng thêm 2% với gần như 100% người trên 50 tuổi và một số ca trẻ hơn. Những người này bao gồm nhóm thường xuyên hút thuốc, không hút thuốc lâu năm nhưng bị thừa cân hoặc có cha mẹ, anh chị em, con cái mang tiền sử mắc ung thư.
Ở nam giới, uống rượu, tiền sử gia đình, tiêu thụ thịt đỏ và ít hoạt động thể chất cũng có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Ở nữ giới, nguy cơ liên quan đến BMI (thước đo lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng), tiểu đường type II, cắt tử cung và thắt ống dẫn trứng, tiền sử gia đình, huyết áp cao và ít vận động.
Nguy cơ tuyệt đối trong 5 năm là 29% ở nam và 25% ở nữ.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Alpa Patel, Phó chủ tịch cấp cao về khoa học dân số tại Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết: “Các khuyến nghị sàng lọc cụ thể cho từng loại ung thư dựa trên các yếu tố nguy cơ với loại ung thư cụ thể nào đó. Phát hiện của chúng tôi đã xác định các yếu tố trong nhóm dân số nói chung. Người dân có thể được hưởng lợi từ việc tầm soát và phòng ngừa ung thư tăng cường".
Bà Patel nhấn mạnh việc biết ai là người có nguy cơ phát triển bất kỳ loại ung thư nào cao nhất rất quan trọng khi các xét nghiệm tầm soát ở tương lai đang được kỳ vọng. Những loại dữ liệu như vậy không được cung cấp rộng rãi nhưng lại rất cần thiết để cung cấp thông tin về những lựa chọn sàng lọc trong tương lai. Ví dụ xét nghiệm phát hiện sớm đa ung thư dựa trên phân tích máu.
Theo BẢO HÂN