Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng được quy định tại Chương II, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chương 3, Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng được quy định tại Chương II, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chương 3, Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm:
- Trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng;
- Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch;
- Trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện;
- Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật; và
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra;
- Trách nhiệm đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành;
- Trách nhiệm trong việc giao kết một số hợp đồng đặc thù với người tiêu dùng.
Cụ thể, về cung cấp thông tin, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ ghi nhãn hàng hóa theo quy định; niêm yết giá tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa; cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hoá; cung cấp hướng dẫn sử dụng và thông tin về bảo hành; thông báo về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hoá, dịch vụ được cung cấp. Bên thứ ba phải chịu trách nhiệm liên đới với tổ chức, cá nhân kinh doanh về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ cho người tiêu dùng (trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ).
Trong giao dịch với người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch.
Liên quan đến vấn đề bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đối với người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra những quy định mang tính đặc thù để điều chỉnh vấn đề này. Cần lưu ý rằng theo quy định pháp luật, trách nhiệm bảo hành của cá nhân, tổ chức kinh doanh không phải là đương nhiên mà phát sinh theo thoả thuận của các bên hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định.
Theo quy định của luật, thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện.
Trong thời gian bảo hành, người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm sử dụng tạm thời hoặc được giải quyết theo hình thức khác nếu người tiêu dùng chấp nhận. Bên cạnh đó, trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa hoặc không khắc phục được lỗi hoặc đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ ba lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi, cá nhân, tổ chức kinh doanh sẽ phải đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng. Chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng do bên bán chịu. Đặc biệt, ngay cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành, cá nhân, tổ chức kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng.
Đối với hàng hóa có khuyết tật, Luật cũng quy định rõ khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường. Đồng thời, cá nhân, tổ chức này phải thông báo công khai về việc thu hồi hàng hóa và tiến hành thu hồi theo nội dung đã thông báo công khai.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp được miễn trách nhiệm khi chứng minh được khuyết tật của hàng hoá không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá cung cấp cho người tiêu dùng.
Bên cạnh những trách nhiệm chung trên đây, Nghị định 99/2011/NĐ-CP còn quy định về một số hợp đồng đặc thù giao kết với người tiêu dùng, bao gồm hợp đồng giao kết từ xa, hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục và hợp đồng bán hàng tận cửa. Trong đó, Nghị định quy định chi tiết về trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm trong trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định của pháp luật, trách nhiệm liên quan đến vấn đề thanh toán và các trách nhiệm khác có liên quan.