Niềm tự hào quốc gia là một yếu tố rất quan trọng trong việc người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm của doanh nghiệp nội hay ngoại tại Việt Nam, theo một báo cáo mới nhất của Công ty đo lường hiệu suất toàn cầu - Nielsen
Báo cáo “Nguồn gốc quốc gia của các Nhãn hàng” cho hay, chính sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nội địa đã khiến gần 50% người tiêu dùng được khảo sát trả lời sẽ chọn sản phẩm nội địa thay vì lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp ngoại.
Điều này cho thấy trong thời gian gần đây, doanh nghiệp nội đã đuổi kịp các doanh nghiệp đa quốc gia trong cuộc đua khốc liệt trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh và đang tăng trưởng nhanh hơn doanh nghiệp đa quốc gia ở cả kênh thương mại truyền thống và hiện đại.
Theo báo cáo của Nielsen, sự ưa thích nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng là khác nhau theo từng ngành hàng, nhưng sở thích của người tiêu dùng là yếu tố có lợi cho những doanh nghiệp trong nước so với các đối thủ là công ty đa quốc gia. Chính nhờ tình cảm của người tiêu dùng mà các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí trong những ngành hàng mà trước đây sự thống trị luôn thuộc về các công ty đa quốc gia như dầu gội, nước ngọt có ga, sữa rửa mặt, sữa dưỡng da và sữa công thức (sữa bột).
Hơn 2/3 người tiêu dùng Việt (69%) tin rằng các doanh nghiệp nội có thể đáp ứng tốt hơn những nhu cầu mà họ cần, so với khoảng 60% người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á tin rằng các doanh nghiệp nội địa hiểu về người tiêu dùng của họ hơn các doanh nghiệp đa quốc gia.
Bên cạnh đó, yếu tố giá (40% người Việt chọn nhãn hàng nội địa) và các thành phần chế biến an toàn (27%) cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa sản phẩm nội hay ngoại của người tiêu dùng.
“Sự tham gia vào thị trường mới của các công ty đa quốc gia cùng với việc cung cấp những lợi ích cho người tiêu dùng tại quốc đó cũng như mang lại nhiều sự chọn sản phẩm hơn cho họ, có thể sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước,” Laura McCullough, Giám đốc điều hành, bộ phận Dịch vụ Tư vấn Khách hàng của Nielsen tại các thị trường đã và đang phát triển nhận định.
“Các doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với những đối thủ nước ngoài những doanh nghiệp có lợi thế rất mạnh về nguồn lực tài chính vững chắc, đội ngũ nhân viên tài năng và đa dạng, hạ tầng cơ sở kỹ thuật hiện đại cũng như hệ thống phân phối được thiết lập chuyên nghiệp và quan trọng đây là những doanh nghiệp rất dày dặn kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây rất nhiều những công ty nội địa không chỉ vượt qua được những thách thức do sự cạnh tranh khốc liệt này mang lại mà còn hoạt động rất tốt và có phần giành ưu thế tại thị trường Đông Nam Á,” bà McCullough cho hay.
Theo các chuyên gia, trong thời gian qua các doanh nghiệp trong nước đã có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như chất lượng sản phẩm để qua đó thu hút được nhiều người tiêu dùng.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm "Made in Việt Nam" đã chiếm ưu thế trong các cơ sở phân phối cả trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (các siêu thị như BigC, Coop.Mart, Metro... tỉ lệ hàng Việt chiếm trên 80%).
Quan trọng hơn, người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.
Ước tính của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có hơn 1.000 nhóm hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất được, bao gồm máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chiều sâu giúp sản phẩm có thể cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nước ngoài.
Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hệ thống phân phối, giúp hàng hóa của doanh nghiệp có thể vươn xa hơn, nhất là người tiêu dùng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể được tiêu dùng hàng hóa đạt chất lượng và giá thành hợp lý./.
Nguồn: VIETRADE